Người thực hiện: Lê Văn Nam - Giáo viên GDTC
SKKN CSTĐ: Một số bài tập bổ trợ thể lực, kỹ thuật và chiến thuật nhằm nâng cao thành tích thi đấu môn đẩy gậy của đội tuyển học sinh trường THCS Võ Thị Sáu_ thành phố Nha Trang
1. Sự cần thiết của sáng kiến:
Hiện nay giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu trong đó Giáo dục thể chất ( GDTC) là một mặt của giáo dục toàn diện, là một quá trình sư phạm không thể thiếu ở nhà trường phổ thông, là nhiệm vụ quan trọng trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện các tố chất thể lực, thể hình, nâng cao khả năng vận động giúp các em có đủ sức khỏe để học tốt các môn văn hóa, nâng cao thành tích các môn thể thao góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. GDTC trong hệ thống giáo dục nói chung và trong nhà trường nói riêng có ý nghĩa rất to lớn trong việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người. Con người là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là chủ thể của mọi sự sáng tạo, chủ thể của mọi của cải vật chất và văn hóa, chủ thể để xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái. Như vậy, con người cần được phát triển toàn diện, phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần và trong sáng về đạo đức.
Trong thời kỳ đổi mới của đất nước chúng ta hiện nay, mục tiêu của ngành Giáo dục - Đào tạo là tạo ra những con người toàn diện để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn thực hiện được điều đó thì mỗi con người phải có đủ đức, đủ tri thức và đủ sức khỏe. Như Bác Hồ đã từng nói: “Có đức, có tài nhưng không đủ sức khỏe thì làm việc gì cũng khó”. Vì thế trongchương trình đào tạo ở bậc THCS, GDTC chiếm một vai trò và được coi là môn quan trọng, cơ bản của công tác giáo dục thể chất cho HS. GDTC không những chỉ có tác dụng bảo vệ, củng cố tăng cường sức khỏe cho HS mà còn nâng cao năng lực làm việc, phá triển trí óc và thể lực, giáo dục đạo đức thẩm mĩ giúp các em góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường học. Ngành giáo dục hiện nay đã thường xuyên tổ chức các kỳ thi HKPĐ, hội thi HS giỏi TDTT từ cấp huyện, thành phố đến cấp tỉnh và toàn quốc, điều đó chứng tỏ bộ môn GDTC trong các nhà trường đã được Đảng và Nhà nước coi trọng, đó là một bộ phận không thể tách rời trong việc giáo dục và hình thành nhân cách con người của thế hệ mới.
Thực hiện theo chỉ đạo của các cấp, các môn thi đấu có nguồn gốc từ các trò chơi dân gian hiện nay đã và đang được đưa vào nội dung của các hội thi TDTT
Việc đưa các trò chơi dân gian vào thi đấu vừa khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa học đường, vừa khơi dậy tinh thần vui chơi TDTT. Có thể nói, các trò chơi dân gian là những môn rất dễ chơi, ở bất cứ mọi nơi, mọi lúc phù hợp với mọi tầng lớp thanh thiếu niên, vừa giúp nâng cao sức khỏe rèn luyện sự dẻo dai bền bỉ, góp phần không nhỏ trong việc các em lánh xa những tệ nạn xã hội.
Trong hệ thống các trò chơi dân gian truyền thống thì môn Đẩy gậy thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày hội văn hoá thể thao… của nước Việt Nam. Môn Đẩy gậy còn gọi là môn Đẩy cây, có nguồn gốc từ đồng bào các dân tộc miền núi ở Tây Bắc. Nó là môn thi đấu giữa hai người dùng một cây gậy đẩy với nhau trong một vòng tròn, người nào bị đẩy ra khỏi vòng tròn là thua. Với sự phát triển của bộ môn thông qua thi đấu người ta đưa ra luật thi đấu, chương trình thi đấu. Vì vậy, môn Đẩy gậy không chỉ dừng lại ở trò chơi được tổ chức ở các lễ hội mà đã trở thành môn thể thao hấp dẫn tại Hội thao, tại các kì thi HS giỏi, TDTT, HKPĐ…mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi thể thao quốc gia. Đẩy gậy đã chính thức là 1 trong số 40 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI (năm 2010); là môn Thể thao được đưa vào thi đấu tại Hội khỏe Phù đổng (HKPĐ) toàn quốc từ lần thứ VIII (năm 2012).
Và để góp phần gìn giữ nét đẹp của trò chơi dân gian này, Bộ Giáo dục đã đưa đẩy gậy vào làm bộ môn thi đấu chính thức tại “Hội khoẻ Phù Đổng lần thứ X năm 2021” để các em HS phổ thông có cơ hội biết đến, tham gia và trải nghiệm. Các trận thi đấu đẩy gậy luôn thu hút đông đảo người xem tham gia cổ vũ, tạo nên khí thế sôi nổi trong mỗi dịp giao lưu, hội thi thể thao, góp phần tích cực vào việc phát triển phong trào thể thao quần chúng. Đẩy gậy là môn thể thao cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên. Tuy cần nhiều sức mạnh nhưng để thắng được đối thủ, người chơi cũng cần phải có kỹ thuật, chiến thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý thi đấu ổn định. Do đó việc tuyển chọn và huấn luyện phải được quan tâm hàng đầu. Vấn đề đặt ra là phải lựa chọn được các vận động viên có thể lực tốt, có sức bền, sức mạnh, sức nhanh, tâm lý vững vàng và hệ thống các bài tập chuyên môn phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS vì các em vừa học văn hóa vừa tham gia tập luyện. Với đối tượng HS trong đội tuyển TDTT, các em không chỉ được tiếp xúc với các bài tập nâng cao, được rèn kĩ năng, tư duy, phán đoán phối hợp, phục vụ cho các kì thi mà còn giúp các em định hướng và phát triển nghề nghiệp sau này.
Trường THCS Võ Thị Sáu nằm trên địa bàn phường Phước Long, là một phường có phong trào TDTT phát triển mạnh, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống. Ngọn lửa đam mê ấy đã được các thế hệ đi trước truyền lại cho thếhệ sau, chính vì vậy trường có nhiều năm liền đạt thành tích cao trong môn đẩy gậy. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, để góp phần làm phong phú thêm các tư liệu nhằm bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc trong nhà trường, góp một phần nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của cha ông, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu vận động viên cho trường, nâng cao chất lượng, thành tích môn Đẩy gậy tại các kì thi do Ngành giáo dục tổ chức, giúp cho HS tiếp cận ngày càng gần với thể thao Việt Nam, phát huy được năng lực bản thân trong xã hội mới. Tôi mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Một số bài tập bổ trợ thể lực, kỹ thuật và chiến thuật nhằm nâng cao thành tích thi đấu môn đẩy gậy của đội tuyển học sinh trường THCS Võ Thị Sáu_ thành phố Nha Trang”.